Bộ phận dùng: thân rễ (vẫn gọi là củ). Cây tổ rồng mọc bám chắc vào các cây cổ thụ hoặc ở hốc đá. Thứ củ già, khô, da màu nâu, thịt hồng hồng, không mốc mọt, không lẫn tạp chất hay rễ khác là tốt.
Tính vị: vị đắng, chát, tính ấm.
Quy kinh: Vào kinh Can và Thận.
Tác dụng: hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ Thận.
Chủ trị: chữa bong gân, gẫy xương, chân tay mỏi, tê liệt. Trị các chứng Thận thấp, đau háng, đau xương.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 20g
Cách bào chế
Theo Trung Y: Dùng dao đồng cạo sạch lông vàng, thái nhỏ, tẩm mật ướt đều, đồ một ngày, phơi khô dùng. Nếu dùng gấp thì chỉ sấy khô, không đồ cũng được (Lôi Công)
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô dùng.
Có khi tẩm mật hoặc tẩm rượu, sao qua dùng.
Dùng tươi: hái về bỏ hết lông tơ và các lá khô, rửa sạch giã nhỏ. Dấp một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau. Trong một ngày thay thuốc bó nhiều lần. Nếu không đủ cốt toái bổ thì có thể lấy bã dấp lại nước rồi băng lại.
Bảo quản: để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc
- Thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng: Dùng Cốt toái bổ với Bổ cốt chi, Ngưu tất và Hồ đào nhân để trị đau lưng dưới và yếu chân.
Cũng có thể dùng Cốt toái bổ với Sinh địa hoàng và Sơn thù du để trị ù tai, điếc và đau răng.
- Sưng và đau do chấn thương ngoài: Dùng phối Cốt toái bổ với Hổ cốt, Qui bản và Một dược.