Bộ phận dùng: rễ. Rễ có hai loại: loại rễ già, trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm; loại rễ non giữa cứng chắc, mịn, ngoài vàng trong xanh và vàng gọi là Điều cầm. Thứ to lớn hơn ngón tay là tốt.
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Tâm, Phế, Đại trường, Tiểu trường, Can và Đởm.
Tác dụng: thuốc trừ nhiệt, thanh hoả.
Chủ trị: tả thực hoả, thanh thấp nhiệt, trị cảm mạo, hoàng đản, đau bụng.
. Sốt do đờm nhiệt. Hoàng cầm hợp với Hoạt thạch và Thông thảo.
. Hoàng đản: Hoàng cầm hợp với Chi tử, Nhân trần và Trúc diệp.
. Kiệt lỵ hoặc tiêu chảy: Hoàng cầm hợp với Hoàng liên.
. Mụn nHọt đầu đinh: Hoàng cầm hợp với Kim ngân hoa và Thiên hoa phấn.
. Ho do phế nhiệt: Hoàng cầm hợp với Tang bạch bì và Tri mẫu.
. Doạ sảy thai (động thai): Hoàng cầm hợp với Ðương qui và Bạch truật.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g, có thể đến 30 - 50g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Hoàng cầm sao rượu thì đi lên, tẩm mật heo sao thì trừ hoả trong Can đởm.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Thứ Khô cầm thì bỏ đầu, bỏ ruột đem rửa sạch, ủ kín một đêm cho mềm, thái hoặc bào mỏng 1 -2 ly. Phơi khô (dùng sống); sau khi phơi khô tẩm rượu 2 giờ, sao qua (thường dùng).
Bảo quản: để nơi khô ráo, cần tránh ẩm vì dễ mốc, để lâu bị mọt.
Kiêng kỵ: Không dùng trong những trường hợp Tỳ Vị hư hàn và không có thấp nhiệt, thực hoả.
Chú ý: Thuốc sống được dùng để thanh nhiệt an thai. Thuốc sao tẩm rượu được dùng để cầm máu, thuốc đốt tồn tính được dùng thanh nhiệt ở thượng tiêu.
HOÀNG KỲ
Bộ phận dùng: rễ. Rễ to mập, bằng ngón tay nhiều thịt ít xơ, dai bền, ruột vàng là tốt. Có thứ vỏ đen (Hắc kỳ) thịt vàng. Có thứ còn non (Nộn kỳ) thịt trắng nhiều bột không xơ là thứ tốt nhất.
Có người làm giả Hắc kỳ bằng cách nhuộm đen Hoàng kỳ, nhưng rửa đi thì mất đen.
Tính vị: vị hơi ngọt, tính ấm.
Quy kinh: Vào kinh Phế và Tỳ.
Tác dụng: trợ khí, cố vệ.
Chủ trị:
Dùng chín: kiện Tỳ, ích khí.
Dùng sống: cố biểu, lợi tiểu, trị bệnh đái đường, đái đục, giải nhiệt, giải độc, rút mủ, trị lở loét.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g, có khi đến 40g.
Cách bào chế:
Theo Trung Y:
- Cắt bỏ đầu, đồ lên nửa ngày, tước ra sợi nhỏ để lên mặt đá, đập nát dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
- Đánh bẹp nát, tẩm mật rồi nướng (3 lần) cũng có khi tẩm muối đồ chín (Bản Thảo Cương Mục).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Rửa sạch, ủ hơi mềm, thái hoặc bào mỏng I – 2 ly. Sấy nhẹ hoặc phơikhô (dùng sống)
- Tẩm mật sao: sau khi làm khô đập nát, tước nhỏ, tẩm mật sao vàng (cách này thường dùng).
Có thể ngâm mật ong 2 - 3 ngày cho thấu rồi quấn giấy bản lùi tro (nếu làm ít) hoặc sao vàng.
Bảo quản: để nơi cao ráo, tẩm mật rồi không nên để lâu.