A giao là keo chế từ da con lừa ( Equus Asinus L. ). Thường A giao được làm dưới dạng miếng keo hình chữ nhật, dài 6cm, rộng 4cm, dầy 0,5cm, mầu nâu đen, bóng, nhẵn và cứng. Khi trời nóng thì mềm, dẻo, trời khô thì dòn, dễ vỡ, trời ẩm thì hơi mềm. Mỗi miếng nặng khoảng 20g. vết cắt nhẵn, mầu nâu đen hoặc đen, bóng, dính (Dược Tài Học).
Tính vị: Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Vào 3 kinh Can, Phế, Thận.
Tác dụng: Tư âm, bổ huyết, an thai, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết ( cầm máu).
Chủ trị: Trị huyết suy yếu, thổ huyết, băng huyết, các chứng ra máu.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 24g, uống với rượu hoặc cho vào thuốc hoàn, tán.
Bào chế:
Theo Trung Quốc:
* Chọn loại da già, dầy, lông đen. Vào mùa đông - xuân ( khoảng tháng 2 -3 hàng năm, lấy da lừa ngâm vào nước 2-5 ngày cho mềm ra rồi cạo lông, cắt thành từng miếng mỏng ( để nấu cho dễ tan) . Nấu 3 ngày 3 đêm, lấy nước cũ ra, thay nước mới, làm như vậy 5-6 lần để lấy hết chất keo của da lừa. Lọc qua rây bằng đồng có lỗ nhỏ rồi khuấy với nước lọc có ít phèn chua, chờ vài giờ sau cho các tạp chất lắng xuống , gạn lấy 1 lớp nước trong ở trên và cô đặc lại. Trước khi lấy ra chừng 2 giờ thì thêm đường và rượu vào ( cứ 600g da lừa thêm 4 lít rượu và 9kg đường ), nửa giờ trước khi lấy ra lại thêm dầu đậu nành cho đỡ dính (600kg thêm 1kg dầu). Đổ ra,để nguội, cắt thành phiến dài 10cm, rộng 4-4.5cm, dầy 0.8 - 1.6cm (Trung Dược Đại Từ Điển).
* Sao Với Cáp Phấn: Lấy chừng 1kg bột Cáp phấn cho vào chảo rang cho nóng rồi bỏ các miếng A giao vào rang cho đến khi A giao nở dòn không còn chỗ cứng nữa thì dùng rây ray bỏ bột Cáp phấn đi (Trung Dược Đại Từ Điển).
* Sao Với Bồ Hoàng: Cho Bồ hoàng vào chảo, rang nóng rồi cho A giao xắt mỏng vào, rang cho đến khi A giao nở dòn thì bỏ Bồ hoàng đi (Trung Dược Đại Từ Điển).
* Ngâm với rượu hoặc nấu với nước cho tan ra (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Lấy khăn vải sạch lau cho hết bẩn, thái nhỏ bằng hạt bắp, cho vào chảo, sao với bột Cáp phấn hoặc Mẫu lệ (20%) cho phồng đều (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh nóng, ẩm.
Kiêng kỵ:
+ Kỵ dùng chung với vị Đại hoàng (Bản Thảo Kinh Tập Chú ).
+ Vị ( bao tử ) yếu, nôn mửa: không dùng. Tỳ Vị hư, ăn uống không tiêu không nên dùng ( Bản Thảo Kinh Sơ).
+ Vị hư, nôn mửa, có hàn đàm, lưu ẩm, không nên dùng (Bản Thảo Hối Ngôn).
+ Tiêu chảy không nên dùng (Bản Thảo Bị Yếu).
+ Ngưòi Tỳ Vị hư yếu ( tiêu chảy, ói mửa, tiêu hóa kém...) không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
A NGUỲ
. Họ Hoa tán (Umbelliferae)
Bộ phận dùng: Nhựa cây ở gốc, đóng lại thành cục. Là Nhựa của cây A Nguỳ.
A nguỳ hình khối, đông cứng như mỡ hoặc dính liền với nhau. Mầu sắc đậm nhạt không đều, mặt ngoài mầu vàng hoặc nâu hồng. Cứng hoặc hơi mềm mà dính. Hơ nóng thì mềm ra. Thứ tươi mới cắt ra mầu nhạt,có thể thấy mầu trắng sữa xen lẫn với mâu nâu nhạt hoặc mầu hồng. Mùi hôi nồng (đặc biệt thứ màu nâu tía).
Loại tinh sạch, mùi nồng, lâu ngày không tan ra, chỗ cắt mầu trắng sữa là tốt. Nếu thành từng khối to màu nâu xám, lẫn tạp chất ở trong là kém.
Tính vị: Vị cay, tính ôn, không độc, mùi hôi nồng.
+ Lấy thứ tốt, không có tạp chất, cắt nhỏ, bỏ vào bát nhám mà nghiền hoặc thêm lẫn với thuốc khác mà nghiền thì dễ nhỏ.
+ Hoà tan A nguỳ trong cồn 60 độ nóng, lọc, ép qua vải thưa, loại tạp chất, đến khi cho vào nước nghiền ra không dính tay là được, đun cách thuỷ cho rượu bay còn lại A nguỳ.
+ Khi dùng nghiền bột, cho thêm vào một ít Hạnh nhân hoặc Đào nhân thì dễ nghiền nhỏ (Lôi Công Bào Chích Luận).
Bảo quản: vì mùi hôi nồng cần để vào hộp thiếc kín, để riêng xa các vị thuốc khác khỏi lan mùi. Cần để nơi mát, tránh nóng, tránh làm mất mùi tinh dầu.