Động thai rất thường gặp ở thai phụ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Dấu hiệu dọa sẩy thai là cảm giác đau tức hoặc đau âm ỉ từng cơn ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng. Có thể ra dịch màu hồng nhạt hoặc vài giọt máu chảy ra ở âm đạo…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dọa sảy thai, thường do thể chất người mẹ suy nhược, làm việc quá sức, dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến thiếu chất, thai yếu; va chạm mạnh, xoa bóp bụng, núm vú gây co bóp tử cung…
Theo lương y Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hội Đông y H.Thanh Miện, Hải Dương, phụ nữ sau khi tắt kinh 10 ngày, trong cơ thể khác thường, hai bầu vú căng, có trường hợp mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn... là dấu hiệu mang thai. Thai phụ bị mỏi lưng, đau bụng, bụng dưới căng có cảm giác sạ xuống, âm đạo ra huyết dịch, là do thai động không yên. Sau đó đau bụng dữ dội, hoặc ra máu nhiều dẫn đến sẩy thai. Khi thai nhi chưa được 3 tháng thì gọi là tiểu sản hoặc bán sản. Nếu cứ mang thai đến chu kỳ lại sẩy thai, Đông y gọi là hoạt thai.
Để an thai, bà bầu nên chú ý đến sinh hoạt, chế độ ăn uống và kết hợp dùng thuốc. Dưới đây là một số bài thuốc có tác dụng chữa động thai.
Do khí hư, huyết hư gây sẩy thai, đẻ non:
Triệu chứng: Ra huyết từng giọt kèm theo mỏi lưng, sắc mặt xanh nhợt, choáng váng, mệt mỏi, sợ lạnh, miệng lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, đầy tức bụng, thai muốn xuống, đi tiểu nhiều. Cần dùng bài thuốc an thai.
Cách dùng: Cho 5 bát nước, sắc còn 3 bát (riêng sa nhân tán bột, khi sắc được thuốc mới cho vào vì sa nhân có tinh dầu bay hơi hết tác dụng). Ngày chia uống 3 lần.
Rong kinh do hư thận gây hay sẫy thai:
Triệu chứng: Khi có thai lưng mỏi, yếu, động thai, sẩy thai bụng chướng, hay chóng mặt, đái són, tiểu nhiều, mạch xích hư đại. Phương pháp chữa cố thận an thai.
Bài thuốc sắc uống: (như bài 1) cần gia giảm thêm tăng ký sinh 12 g, tục đoạn 12 g, thỏ ty tử 10 g, a giao 12 g.
Cách dùng: Cho 5 bát nước, sắc còn 3 bát (riêng sa nhân tán bột, đợi sắc được thuốc mới cho vào vì sa nhân có tinh dầu bay hơi hết tác dụng). Ngày chia uống 3 lần.
Động thai do âm hư huyết nhiệt:
Triệu chứng: Có thai người gầy sút, miệng khô, hai gò má đỏ, lòng tay chân nóng, bụng đau, đầy tức, thai động ra máu, nhỏ giọt, lưỡi đỏ, không rêu. Phương pháp chữa bổ âm thanh nhiệt, an thai.
Bài thuốc sắc uống: Sinh địa 12 g, hoàng cầm 8 g, hoàng bá 8 g, hoài sơn 12 g, bạch thược 12 g, tục đoan 12 g, cam thảo 12 g.
Cách dùng: Cho 5 bát nước, sắc còn 3 bát. Ngày chia uống 3 lần.
Do khí uất trệ gây động thai:
Khi mang thai tinh thần uất ức, căng thẳng, áp lực công việc...
Triệu chứng: Đau lưng, ra huyết, tinh thần không được thoải mái, hay lo nghĩ, căng thẳng, tinh thần uất ức, bụng đầy chướng, ợ hơi ăn kém, nôn đắng, sợ chua, mạch huyền hoạt. Phương pháp chữa bình can thư uất, lý khí an thai.
Bài thuốc sắc uống như bài 1, gia giảm thêm: đẳng sâm 12 g, tô ngạch 8 g, bạc hà 12 g, ngân sài hồ 12 g.
Cách dùng: Cho 5 bát nước, sắc còn 3 bát. Ngày chia uống 3 lần. Riêng sa nhân tán bột, khi sắc được thuốc mới cho vào vì sa nhân có tinh dầu bay hơi hết tác dụng.
Do sang chấn thương:
Có thai do ngoại cảnh bị ngã, vấp ngã, leo trèo, đi cầu thang ngã, mang nặng gây mỏi lưng, đau lưng, ra máu, mạch hoạt. Phương pháp chữa: Điều hòa nguyên khí, dưỡng huyết, an thai.
Bài thuốc sắc uống: Tục đoan 12 g, tăng ký sinh 16 g, củ gai 16 g, đương quy (thân) 8 g, đỗ trọng 8 g, a giao 8 g, hoàng kỳ 12 g, cam thảo 4 g.
Cách dùng: Cho 5 bát nước, sắc còn 3 bát. Ngày chia uống 3 lần.
Ngoài ra, theo lương y Hải, dân gian còn có bài thuốc trị động thai từ củ gai rất hiệu quả. Khi có các dấu hiệu mang thai bị ra huyết đỏ hoặc nâu, đái đục, đái ra máu, bong nhau thai, tụ dịch màng nuôi, bong màng nuôi uống nước hầm củ gai để tránh co bóp tử cung, cầm máu rất tốt. Có thể dùng củ gai đến khi khỏi hẳn thì thôi và uống càng sớm càng tốt (nên dùng ít nhất trong một tuần).
Song song với việc dùng thuốc, bà bầu cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, kiêng lao động nặng, kiêng quan hệ tình dục, khi đau, tránh xoa bụng, đấm lưng hay vê đầu vú vì đó là những kích thích khiến tử cung co bóp nhanh và mạnh hơn làm thai dễ sẩy hơn.