Bộ phận dùng: hạt của quả. Quả khô, có nhiều hạt, nâu sẫm mùi thơm nồng.
- Sa nhân hạt cau, hạt to mẩy, không nhăn nheo, cay nhiều nồng là loại tốt nhất.
- Sa nhân non (do hái sớm quá, chưa già), hạt không mẩy, có vết nhăn ít cay là hạng vừa.
- Sa nhân vụn, kém cay là hạng xấu.
- Sa nhân đường (do hái chậm quả chín quá), hạt ẩm hơi dính, ngọt, bóp mềm, đen, không dùng.
- Vỏ quả Sa nhân cũng dùng làm thuốc gọi là súc bì.
Tính vị: vị cay, tính ôn.
Quy kinh: Vào kinh Thận, Tỳ và Vị; kiêm vào Phế, Đại trường và Tâm bào.
Tác dụng: hành khí, chỉ đau, kích thích tiêu hoá.
Chủ trị: ăn không tiêu, đi tả, đau bụng; đại tiện ra huyết, băng huyết, nhức răng, trị thuỷ thũng.
Tỳ, Vị có thấp trệ hoặc khí trệ ở Tỳ biểu hiện như bụng chướng và đau, chán ăn, nôn, buồn nôn và tiêu chảy: Dùng Sa nhân với Thương truật, Bạch đậu khấu, Hậu phác.
Chậm tiêu do khí trệ: Sa nhân hợp với Mộc hương, Chỉ thực.
Trị Tỳ suy, khí trệ: Sa nhân với Trần bì, Đảng sâm và Bạch truật trong bài Hương Sa Lục Quân Tử Thang .
Ốm nghén hoặc động thai: Dùng Sa nhân với Bạch truật và Tô ngạnh.
Liều dùng: Ngày dùng 3 - 6g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Sao qua, xát bỏ vỏ mỏng, giã dập dùng hoặc để cả vỏ sao đen dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Để cả vỏ sao vàng (ăn không tiêu, trướng đầy). Bỏ vỏ lấy hạt sao hơi sém cạnh (trị thuỷ thũng).
Bảo quản: cần để nơi khô ráo, thoáng gió. Tránh ẩm nóng làm hỏng mất tinh dầu thơm.