Vỏ rễ mỏng, sắc vàng, dùng loại rễ chìm xuống đất, không dùng loại rễ nổi; dùng tươi có tác dụng hơn dùng khô. Vỏ quả khô không mục nát là tốt.
Thường dùng cây Lựu hoa đỏ (Xích lựu), Lựu hoa trắng (Bạch lựu) tốt hơn nhưng hiếm có.
Thành phần hoá học: vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ có độ 22% chất tanin. Ngoài ra còn có các alcaloid là peletierin và isopeletierin có tác dụng trị sán. Thuốc độc bảng A.
Vỏ quả có độ 28% chất tanin và chất màu.
Chủ trị: trị tả lỵ, ra huyết, lòi đuôi trê, di tinh, băng huyết, bạch đái (vỏ quả). Trị sán xơ mít (vỏ rễ).
- Vỏ rễ: đào lấy rễ thạch lựu, rửa sạch, cạo bỏ vỏ thô ngoài và bỏ lõi giữa, chỉ dùng lớp vỏ rễ trong, phơi khô. Khi dùng thì cắt nhỏ hoặc tán bột.
- Vỏ quả: bóc lấy vỏ quả thạch lựu, cạo sạch ruột và màng bên trong, phơi khô dùng sống hoặc sao vàng hay sao cháy tuỳ từng trường hợp.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Vỏ quả: khi còn tươi, bỏ màng trong, thái mỏng, sao khô, dùng ngay. Nếu chưa dùng thì gác bếp hoặc sấy, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, nạo bỏ màng trong, để cho mềm, thái mỏng sao qua dùng.
Bài thuốc trị tả ly: Vỏ quả lựu: 2.000g, Nước vừa đủ, Đường vừa đủ.
Dùng nồi đất, hoặc nhôm (không dùng nồi sắt, gang) cho vào 10 lít nước, sắc hai lần, cô hai nước cho đến khi còn 4 lít. Thêm đường đủ ngọt, người lớn ngày uống 4 lần, mỗi lần 2 - 3 thìa cà phê. Uống luôn 7 - 10 ngày.
Thuốc này để được lâu.
Có người đem đốt xám vỏ quả Lựu, đập dập, lấy vỏ, bỏ hạt. Sắc uống trị tả lỵ.
- Vỏ rễ: lấy rễ rửa sạch, dùng mảnh kính vỡ hoặc dao không gỉ, cạo bỏ vỏ thô bì ở ngoài, rửa sạch, bóc lấy vỏ trong, bỏ lõi. Dùng tươi, hoặc phơi khô dùng.
Nếu cơ thể yếu, có thể ngâm nước vo gạo trước rồi mới làm như trên, hoặc sau khi lấy được vỏ trong nồi, sao qua rồi mới dùng.
Vỏ rễ dùng trị sán xơ mít, có người phối hợp với Binh lang.
Vỏ rễ lựu khô 60g Nước cất 750ml. Ngâm vỏ 6 giờ, sắc còn 500ml gạn và lọc. Uống làm 2 - 3 lần, cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau khi uống thuốc, thấy bụng cồn cào khó chịu, thì uống một liều thuốc tẩy. Sau khi đi ngoài, ăn một bát cháo đậu xanh nguội, để giải độc.
Bảo quản: vỏ quả để nơi khô ráo.
Vỏ rễ để nơi kín, khô ráo, không nên để quá 2 năm. Quá hạn không nên dùng.
Kiêng ky: không có trùng tích, hoặc thực tà thì không nên dùng.
Chú ý: Thuốc có độc, dùng phải Thận trọng. Không nên dùng cho trẻ em.