Bộ phận dùng: thân rễ (vẫn gọi là củ). CHọn củ to mập, vỏ vàng mỏng, mềm, cắt ngang có màu đen nhánh, nhiều nhựa không thối nát là tốt. Loại to mỗi cân được 16 - 80 củ, loại nhỏ 40 - 60 củ.
Thành phần hoá học: có manit, rehmanin, chất đường và caroten.
Tính vị: sinh địa (địa hoàng) còn tươi mát, đắng.
Sinh địa đã chế biến: mátÙ hơi đắng, ngọt, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Tâm, Can và Thận.
Tác dụng: bổ chân âm, thanh hoả, mát huyết nhiệt.
Chủ trị: trị lao thương, hư tổn, ứ huyết, đái ra huyết, bổ ngũ tạng, thông huyết mạch, thêm khí lực, sáng tai mắt.
- Nhiệt tà xâm nhập phần huyết biểu hiện như khô miệng, lưỡi đỏ sẫm và rêu lưỡi mỏng: Dùng Sinh địa với Huyền sâm, Tê giác và Mạch đông.
- Âm và dịch cơ thể bị tiêu hao ở giai đoạn cuối của bệnh do sốt gây ra biểu hiện như sốt về đêm, giảm về sáng và không ra mồ hôi: Dùng Sinh địa hoàng với Tri mẫu, Thanh hao và Miệt giáp.
- Xuất huyết do nhiệt thịnh biểu hiện như nôn ra máu, chảu máu cam, tiểu ra máu, tiêu ra máu và chảy máu tử xung chức năng: Dùng Sinh địa hoàng với Trắc bách diệp và Hà diệp.
- Bệnh do sốt kèm nhiệt độc quá mức trong máu, chảy máu cam và xuất huyết dưới da: Dùng Sinh địa hoàng với Tê giác, Mẫu đơn bì và Xích thược.
- Bệnh do sốt kèm tiêu hao dịch của cơ thể biểu hiện như lưỡi đỏ miệng khô, khát và uống nhiều nước: Dùng Sinh địa hoàng với Ngọc trúc, Mạch đông, Sa sâm và Thạch hộc. Nếu có táo bón dùng Sinh địa hoàng với Huyền sâm và Mạch đông.
Liều dùng: Ngày dùng 12 - 64g.
Kiêng ky:.không dùng cho người Tỳ Vị hư hàn và thấp nhiệt.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Lấy 10kg sinh địa tươi, cHọn riêng củ to béo độ 6kg (600 gam mà được 4 – 6 củ là thứ tốt), rửa sạch, phơi nắng cho se vỏ lại; còn 4kg loại bé nhỏ vụn thì cũng rửa sạch cho vào cối giã nát, đổ vào 300ml rượu, lại giã, vắt lấy nước tẩm vào 6kg trên, phơi sấy hoặc sấy khô (Bản Thảo Cương Mục).
Khi dùng Sinh địa thì ủ một ngày, dùng dao bằng đồng thái lát mỏng, phơi khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: có 3 giai đoạn;
Sấy lần 1: rễ củ đào về không bị sứt mẻ, không rửa nước, cHọn riêng thành 4 loại to, nhỏ, rải riêng từng loại cho vào lò sấy, thứ to để dưới, thứ nhỏ để trên, ngày đầu sấy nhẹ lửa 35 - 40o cho se vỏ ngoài, ngày thứ hai và những ngày sau giữ nhiệt độ 50 - 60o, hàng ngày trăn trở luôn cho khô đều, trong 6 – 7 ngày; thấy củ nào mềm dẻo như cao su thì bóp nắn cho mềm (thịt đã đen lại) để ra ngoài, củ nào còn rắn cứng thì tiếp tục sấy cho đến khi mềm mới thôi.
Ủ: các loại củ đã mềm rồi, rải mỏng tất cả ra sàn nhà, nơi khô ráo, thoáng gió trong 5 - 6 ngày, rồi xếp lại lấy bao bố tời ủ lên. Hai, ba ngày sau, giở ra xem thấy vỏ ngoài ngả màu xám, có lên meo mốc trắng, bẻ ra, trong có tiết ra một chất nhựa đen: lấy thử vài củ vê sẽ giữa hai ngón tay, thấy mềm nhũn như chuối chín là được.
Sấy lần 2: ủ được rồi đem sấy lại lần nữa ở nhiệt độ 40 -50o khi vỏ ngoài khô độ 80% là được.
Phẩm chất: Sinh địa khô, vỏ xám đen, thịt đen, giữa củ hơi vàng là tốt.
Bảo quản: dùng để nấu ngay thành Thục địa thì không cần bảo quản , nhưng muốn để lâu phải bảo quản cho tốt.
Lấy đất phù sa hay đất sét khô tán nhỏ mịn, rây qua, đổ vào cái nong rồi cho các củ Sinh địa vào chà lăn cho đều, bóp nắn cho tròn củ, đừng để củ dài dễ gãy. Cho vào thùng đậy kín.
Ghi chú:
- Khi đào rễ củ về thì không được rửa nước, không đào lúc trời mưa.
- Củ nhỏ bé quá, vứt đi lãng phí, dùng để trồng thì không tốt nên đem sấy để riêng, sau này nấu thành nước sắc đặc tẩm vào Thục địa càng tốt.
Kiêng kỵ: không dùng trong trường hợp suy và thấp nặng ở Tỳ, đầy bụng hoặc tiêu chảy.