Bộ phận dùng: lớp màu vàng phủ mặt trong của mề gà (Gallus denesticus Brisson, Họ Phasianidac).
Màng màu cam nâu, trên mặt có những vết nhăn giòn dễ vỡ vụn; sấy lửa thì phồng lên. Khô, sạch tạp chất, nguyên cái, hay bổ đôi, không vụn nát là tốt.
Thành phần hoá học: có chất protid, và chất vi sinh tố (ventriculin).
Tính vị: tiêu hoá, điều hoà Tỳ Vị.
Chủ trị: trị bệnh trướng đầy, nôn mửa, trị lỵ, viêm ruột già, tiểu tiện ra máu.
- Khó tiêu, thức ăn ứ trệ, chướng đại trường, chướng bụng và đầy bụng: Dùng Kê nội kim với Sơn tra và Mạch nha.
- Trẻ em Tỳ suy yếu, suy dinh dưỡng: Dùng Kê nội kim với Bạch truật, Sơn dược và Phục linh.
- Sỏi bàng quang và sỏi đường tiết niệu: Dùng Kê nội kim với Kim tiền thảo và Hải kim sa trong bài Tán Kim Thang.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Bóc mề gà, rửa sạch phân gà và sỏi sạn ở trong, phơi khô dùng sống hoặc sao với cát cho phồng lên là được. Có thể đốt tồn tính. Tán bột, rây qua cho vào nước đãi, rửa phơi khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Mề gà mổ ra gạt hết chất bẩn, rửa qua nhanh tay, bóc lấy màng. Phơi khô. Khi dùng mới rửa, phơi khô, sao với cát phồng lên là được.
Bảo quản: dễ bị mọt và giòn, vụn nát. Để nơi khô ráo, kín, tránh đè nặng làm vỡ nát.
Kiêng ky: Tỳ yếu nhưng không bị tích thì không nên dùng.