Bộ phận dùng: rễ. Độc hoạt trồng ở Tây Phương nên gọi là Khương hoạt. Có tài liệu nói rễ cái là Độc hoạt, rễ con là Khương hoạt. Rễ Khương hoạt có đầu mấu cứng như đầu con tằm, to, khô, thịt nâu, đậm, xốp nhẹ, không mốc mọt, thơm mát là tốt.
Tính vị: vị đắng, cay, tính ôn.
Quy kinh: vào kinh Bàng quang, Can và Thận.
Tác dụng: Khương hoạt tính táo và tán, Độc hoạt tính đi khắp cơ thể.
Khương hoạt trị phần trên, Độc hoạt trị phần dưới cho nên người xưa trị phong phần nhiều dùng Độc hoạt, trị thuỷ thũng thì dùng Khương hoạt.
Chủ trị: trị trúng phong đau đầu, phong thấp, phù thũng, vết thương đâm chém, phụ nữ bị sán hà (đau bụng dưới rạn xuống âm môn, bụng tích huyết thành khối).
- Hội chứng phong hàn biểu biểu hiện: nghiến răng, sốt, đau đầu và đau nặng toàn thân: Dùng Khương hoạt với Phòng phong, Bạch chỉ và Thương truật.
- Hội chứng phong hàn thấp biểu hiện: đau khớp, đau vai và lưng trên: Dùng Khương hoạt với Phòng phong và Khương hoàng.
Liều dùng: Ngày dùng 4 - 12g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Cắt bỏ đầu, cạo vỏ, rửa sạch, sấy khô dùng
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, để thật ráo, thái mỏng, phơi râm. Không có tẩm sao.
Bảo quản: tránh nóng, để nơi khô ráo, đậy kín.
Ghi chú:
Có người dùng dây và rễ Trầu để thay thế Khương hoạt là không đúng.
Kiêng ky: huyết hư mà không có phong hàn, thực tà thì không nên dùng.
Không dùng vị thuốc này khi bị khớp do thiếu máu và đau đầu do âm suy.