Bộ phận dùng: vỏ rễ. Vỏ ngoài sắc vàng, trong thì trắng ngà, khô, mùi thơm nhẹ, không lẫn tạp chất, không có lõi là tốt. Ngoài ra ta còn dùng:
+ Một loại gọi là Ngũ gia bì hương.
+ Một loại gọi là Ngũ gia bì chân chim. Cây chân chim này có hai thứ: thứ mọc ở núi đá, cây nhỡ, vỏ tía, thơm, có tác dụng tốt; thứ mọc ở núi đất, vỏ dày, xốp, tác dụng kém hơn. Hai cây này thuộc Họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) có thể tạm dùng thay Ngũ gia bì.
Thành phần hoá học: có chất thơm methoxyralyxytan dehyt và một số acid hữu cơ.
Tính vị: vị cay thơm, đắng, tính ôn.
Quy kinh: Vào kinh Can và Thận.
Tác dụng: thuốc phong thấp, tráng gân cốt.
Chủ trị: trừ phong thấp, trị đau bụng sán khí, liệt dương, trấn phong bại.
- Hội chứng ứ bế phong thấp biểu hiện như đau thấp khớp, co thắt đầu chi: Dùng một mình hoặc phối hợp với Uy linh tiên, Độc hoạt, Tang chi, Mộc qua.
- Suy giảm chức năng gan, thận như tổn thương, yếu và đau ở vùng thắt lưng và gố: Dùng Ngũ gia bì với Đỗ trọng, Ngưu tất, Tang ký sinh và Tục đoạn.
- Phù: Dùng Ngũ gia bì với Phục linh và đại phúc bì.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g (Các loại Chân chim dùng thay thế phải tăng gấp 2 -3 lần).
Cách bào chế.
Theo Trung Y: Lấy vỏ rễ Ngũ gia bì khô rửa sạch, ủ mềm, thái lát, tẩm rượu hoặc tẩm nước gừng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Vỏ lột về rửa sạch, cạo bỏ vỏ thô ở ngoài, phơi râm, ủ lá chuối 7 ngày (thỉnh thoảng đảo cho đều) để dậy mùi thơm, rồi lấy ra phơi nhẹ cho khô. Khi dùng thì lại rửa qua nếu bẩn, thái ngắn. Sấy nhẹ cho khô, không phải tẩm sao.