Bộ phận dùng:quả. Quả đến lúc khô tách ra thành những quả con. Quả con hình tam giác, màu trắng vàng ngà, vỏ cứng dày có gai. Thứ khô, to chắc, không lẫn tạp chất là tốt.
Tính vị: vị đắng, tính ôn.
Quy kinh: Vào hai kinh Phế và Can.
Tác dụng: bình Can, tán phong, thắng thấp, hành huyết, tả Phế.
Chủ trị: chữa các chứng nhức mắt, mắt đỏ, nhiều nước mắt, phong ngứa, tích tụ, tắc sữa.
- Can dương vượng biểu hiện hoa mắt chóng mặt, cảm giác căng đau ở đầu: Bạch tật lê hợp với Câu đằng, Cúc hoa và Bạch thược.
- Can khí uất biểu hiện cương vú, cảm giác bứt rứt trong ngực và vùng thượng vị, tắc sữa: Bạch tật lê hợp với Sài hồ, Thanh bì và Hương phụ.
- Phong nhiệt trong kinh Can biểu hiện mắt đỏ và chảy nước mắt: Bạch tật lê hợp với Cúc hoa, Mạn kinh tử và Quyết minh tử.
- Phong nhiệt trong huyết biểu hiện mẩn ngứa: Bạch tật lê hợp với Kinh giới và Thuyền thoái.
Liều dùng: Ngày dùng: 12 - 16g
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Bỏ vào nồi chõ, đồ trong 8 tiếng, phơi khô, bỏ vào cối giã hết gai, lại tẩm rượu, đồ 3 tiếng, phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận).
Bất cứ vào thang thuốc hay hoàn tán đều sao giã vụn nát rồi sàng sẩy bỏ gai dùng (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
a) Sao cháy gai rồi giã, sàng sẩy bỏ hết gai dùng.
b) Bỏ vào nước rửa sạch, vớt bỏ tạp chất và hột lép nổi lên, mang vào sao vàng cho gai giòn rồi bỏ vào cối, chà xát vào lòng cối cho hết gai. Khi dùng giã dập hoặc tán bột dùng.
Bảo quản: phơi khô bỏ vào bình đậy kín để giữ hương vị, để nơi khô ráo.