Bộ phận dùng: thân rễ (vẫn gọi là củ). Củ cứng nhắc, có dầu thơm nhẹ, giữa trắng ngà là tốt. Còn có thứ Ư truật, Cống truật là thứ truật tốt hơn. Bạch truật, không phải ủ hay đồ hoặc tẩm sao. Không nên nhầm với Nam bạch truật (Gynurasinensis, Họ Cúc).
Tính vị: vị đắng, ngọt, tính ôn.
Quy kinh: : Vào kinh Tỳ và Vị.
Tác dụng: hoà trung tiêu, ích khí, kiện Tỳ, trừ thấp nhiệt, sinh tân dịch.
Chủ trị:
- Dùng sống: trị thấp nhiệt
- Tẩm hoàng thổ sao: bổ Tỳ, trị nôn mửa, bụng trướng đau, an thai.
- Tẩm mật sao: bổ Tỳ, nhuận Phế.
- Sao cháy: cầm huyết, ấm trung tiêu
- Tỳ hư không vận hóa được thuỷ thấp biểu hiện chán ăn, ỉa lỏng, mệt mỏi, bụng đầy trướng: Bạch truật phối hợp với Nhân sâm và Phục linh trong bài Tứ Quân Tử Thang.
- Tỳ vị hư hàn bbiểu hiện lạnh và đau vùng bụng, ỉa chảy, nôn: Bạch truật phối hợp với Can khương, Nhân sâm trong bài Lý Trung Hoàn.
- Khí trệ do tỳ vị hư, biểu hiện đầy bụng: Bạch truật phối hợp với Chỉ thực trong bài Chỉ Truật Hoàn.
- Thuỷ thấp ứ lại bên trong do công năng tỳ vị rối loạn đi kèm với phù hay chứng đàm ẩm:
. Trị phù và cổ trướng, Bạch truật phối hợp với Ðại phúc bì và Phục linh.
. Trị chứng đàm ẩm, biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, suyễn, ho khạc nhiều đờm (khái thấu) và cảm giác bứt rứt trong ngực: Bạch truật phối hợp với Quế chi và Bạch linh trong bài Linh Quế Truật Cam Thang.
- Tự nhiên đổ mồ hôi (tự hãn) do khí hư. Bạch truật phối hợp với Hoàng kỳ và Phòng phong trong bài Ngọc Bình Phong Tán.
- Ðộng thai do tỳ khí hư trong khi mang thai:
. Kèm theo các biểu hiện ra máu âm đạo và đau bụng dưới: Bạch truật phối hợp với Nhân sâm và Phục linh.
. Kèm theo các biểu hiện hoa mắt chóng mặt và hồi hộp đánh trống ngực: Bạch truật phối hợp với Thục địa hoàng, Ðương qui, Bạch thược và A giao.
. Kèm theo các biểu hiện đau nhức lưng do thận hư: Bạch truật phối hợp với Ðỗ trọng, Tục đoạn và Tang ký sinh.
. Kèm theo các biểu hiện đầy tức ngực bụng do khí trệ: Bạch truật phối hợp với Tô ngạnh và Sa nhân.
. Kèm theo các biểu hiện lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng và mạch Khẩn do nội nhiệt: Bạch truật phối hợp với Hoàng cầm
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Cách bào chế:
Theo Trung Y:
- Rửa sạch, ngâm rượu 16 giờ, ủ độ 12 giờ (mùa đông 24 giờ) thái lát dày độ 3 ly: phơi khô.
- Bỏ cám vào nồi sao cho khói lên, cho Bạch truật vào sao vàng nhạt, lấy ra sàng bỏ cám (mỗi kg bạch truật dùng 100g cám).
- Lấy đất lòng bếp tán bột sao cho nóng rồi cho Bạch truật vào, đảo đều cho đất dính vào miếng Bạch truật, lấy ra sàng bỏ đất thừa (mỗi kg Bạch truật dùng 200g đất).
- Lấy Bạch truật sao cháy đen, bắc chảo ra phun nước vào cho tắt hết đốm lửa
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Chải, rửa sạch, ủ kín cho đến mềm, thái hay bào mỏng 1-2 ly phơi khô (dùng sống)
- Sau khi bào, phơi tái, tẩm nước hoàng thổ (thường dùng ) hoặc tẩm mật sao vàng.
- Sau khi thái mỏng, sao cháy.
Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín vì rất dễ bị mốe, mọt. Nếu thấy mốc thì phơi sấy ngay, nếu phải sấy diêm sinh thì không nên sấy lâu mà bị chua.
Chú ý: Dược thảo tươi được dùng để trừ thấp hóa ứ. Dược thảo khô được dùng để bổ khí kiện tỳ. Dược thảo đốt tồn tính dùng để bổ Tỳ, cầm nôn.
Kiêng kỵ:Thận, Tỳ hư không có thấp tả, khát nước kèm theo mất tân dịch: không nên dùng.